Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu trước mặt bằng chung giá cả của chiếc xe bạn cần mua. Đây là một việc cực kỳ dễ dàng - bạn chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính và tìm kiếm trên Google. Để có được kết quả chính xác và cập nhật nhất, hãy bật chế độ lọc tìm kiếm theo tuần.
Ngoài ra, đừng nên ham rẻ mà lựa chọn những xe máy cũ giá rẻ hơn quá nhiều so với mặt bằng chung, vì chúng có thể đã quá "nát", là xe không giấy tờ, hoặc có nhưng là giấy "sàng" (số khung, số máy đã bị đổi từ xe khác) hay giấy "đi đường", giấy "mẹ bồng con" (một đăng ký có 2 xe với biển số và số khung, số máy giống nhau).
Khi đã chọn được một chiếc xe vừa ý, nếu có thể, hãy nhờ một người quen có kinh nghiệm về xe đi xem xe với bạn. Họ có thể giúp bạn phát hiện ra những khuyết điểm mà bạn không thể nhận ra được. Ngoài ra, bạn cũng nên khởi động "nguội" chiếc xe, khi máy nguội hoàn toàn. Nhiệt độ lạnh sẽ gây cho xe một số vấn đề mà nếu làm nóng lên sẽ không thấy được.
Đem theo thêm một chiếc đèn pin nhỏ để soi động cơ xe nếu cần. Cuối cùng, hãy hỏi kĩ người bán xem họ đã bảo trì xe như thế nào. Những chủ xe biết bảo quản xe tốt thường sẽ đáng tin cậy hơn khi mua bán.
Những bộ phận mà bạn cần để mắt tới đầu tiên là máy xe và dàn vỏ. Hãy tìm xem trên thân xe có bất cứ vết trầy, xước hay rỉ sét nào không. Các vết trầy báo hiệu rằng xe đã từng bị va chạm mạnh trước đó.
Rỉ sét có thể là do xe không được bảo quản đúng cách, và còn là dấu hiệu cho biết xe có thể còn những chỗ bị rỉ khác mà bạn không thấy được.
Nếu xe có dàn vỏ nhựa mới cũ không đồng bộ, hay đề can trên xe dán lệch lạc, bạn hãy cẩn thận vì chiếc xe đó có thể đã bị chủ "giật" lại. Mặc dù nhiều người bán có thể đưa ra chế độ "bảo hành trách nhiệm" một thời gian sau khi mua xe, nhưng hãy hỏi họ về những điểm nghi vấn trên. Hỏi xem có phải đó là để nâng cấp cho xe hay không? Hay là để thay thế cho những bộ phận bị hư? Và còn những phần nào khác bị thay rồi mà bạn chưa thấy không?
Tiếp theo, bạn hãy chống xe lên và kiểm tra đầu xe. Nhìn xem gắp trước, ghi đông, kính xe, tay thắng có đồng đều hai bên hay không, có bị uốn xoắn gì không.
Sau khi kiểm tra đầu xe, hãy tiếp tục thực hiện tương tự với đuôi xe, xem đuôi có bị lệch hay không. Bạn hãy thử lắc gắp xe một chút để xem chúng có bị rơ không, rồi kiểm tra luôn hai bánh và gắp xe. Tất cả các bộ phận này đều cần phải được gắn đúng cách.
Lốp cũng có thể nói cho bạn nhiều điều về chiếc xe và cách sử dụng của chủ nhân nó. Để ý xem chúng có còn là lốp "zin" theo xe hay không, hay là đã được thay rồi? Thông thường, lốp bị mài mòn phần giữa có nghĩa là xe chỉ chủ yếu chạy lộ trình thẳng, ví dụ như đường cao tốc. Lốp bị mòn phần rìa nghĩa là xe đã phải quẹo nhiều, hoặc là đã chạy được một thời gian.
Bạn hãy hỏi chủ xe xem điều kiện vận hành thường xuyên của xe là ở đâu (đường đất, trong thành phố, v...v...) và đã chạy được khoảng bao nhiêu km kể từ khi thay lốp để xem chúng có khớp với tình trạng lốp xe hay không.
Kiểm tra độ mới của hai bánh xe, bởi đó cũng là một dấu hiệu cho thấy chủ xe đã bảo quản xe như thế nào. Những chiếc xe có vành mâm xước nhiều chứng tỏ rằng nó đã được thay lốp nhiều lần, và người bán có thể đã thực hiện tiểu xảo tua công tơ mét.
Tiện thể lúc kiểm tra lốp, bạn hãy xem qua luôn má phanh và đĩa thắng. Nhìn xem xích xe đang căng hay lỏng, có dơ hay bị rỉ sét hay không. Một bộ xích và nhông xích trong điều kiện tốt cũng là một dấu hiệu cho biết sự bảo quản xe của người bán.
Dùng đèn pin soi vào động cơ và tìm xem có bất cứ vết rò rỉ nào không. Một guồng động cơ sạch sẽ cũng là một dấu hiệu tốt. Bạn hãy dùng một tay sờ thử phần dưới xe xem có có rò rỉ chất gì mà bạn chưa thấy không.
Kiểm tra màu của dầu máy, dầu phanh và dầu hộp số. Hãy xem qua luôn bộ lọc khí của xe. Hãy so số khung và số máy xem chúng có khớp với nhau hay không. Nếu không, thì bạn cần phải hỏi ngay người bán rồi đấy. Cần lưu ý rằng trên một số dòng xe, số khung và số máy có thể lệch nhau vài con số đầu hoặc cuối. Nếu bạn gặp phải trường hợp này, hãy đối chiếu số khung, số máy với đăng ký gốc của xe.
Thử qua toàn bộ các điều khiển, như đèn xe, đèn xi nhan, kèn và tay ga. Hãy ngổi thử lên xe, khởi động nó, và trong lúc xe còn đang chống, nghiêng về trước một chút, rồi bóp và nhả thắng vài lần xem nó có ăn không. Nhún thử vài lần để đảm bảo phuộc nhún vẫn hoạt động tốt.
Cuối cùng, sau khi đã cảm thấy hài lòng với chiếc xe, hãy đề nghị người bán viết giấy bán xe, đồng thời giao cả đăng ký, biển số và hồ sơ gốc cho bạn. Chỉ đưa tiền sau khi người bán đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Nếu có mang theo điện thoại có camera hay máy ảnh, hãy đề nghị người bán cho phép bạn chụp lại chứng minh thư hoặc các giấy tờ tuỳ thân để đề phòng lừa đảo.
Những điều cần biết khi mua xe máy cũ (P1)
Vì điều kiện tài chính hoặc mục đích sử dụng mà một ngày nào đó bạn có thể phải tìm mua một chiếc xe máy cũ. Tuy nhiên, việc mua được xe tốt lại không hề dễ dàng chút nào. Nếu không có kinh nghiệm, bạn rất dễ trở thành “con mồi” béo bở cho dân buôn xe cũ.
Nếu mua được một chiếc xe tốt, bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, đó là chi phí đăng ký và khoản tiền chênh lệch khá lớn giữa xe mới và xe cũ. Đây chính là lý do giải thích tại sao thị trường xe cũ luôn tồn tại và phát triển song hành với thị trường xe mới.
Cái khó là thị trường xe máy cũ vô cùng phức tạp và vấn đề này thì ai cũng biết, thế nên tốt nhất là bạn nên mua từ người thân, hoặc ít nhất là người có quen biết. Điều này không chỉ mang lại sự an tâm mà còn giúp bạn dễ dàng điều tra nguồn gốc và quá trình sử dụng của chiếc xe. Vì thế, trước khi mua xe, hãy chịu khó hỏi thăm bạn bè, người thân và nhờ họ hỏi qua những người khác.
Trong trường hợp không tìm được một chiếc xe như vậy, bạn nên tìm kiếm trên internet. Bạn cũng có thể tìm đến các chợ xe cũ, các tiệm sửa xe hoặc tiệm cầm đồ, tuy nhiên việc mua xe qua các kênh này ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Công việc trước tiên là tìm được càng nhiều xe càng tốt. Trong số đó hãy chọn ra một số chiếc có thông tin rõ ràng và tin cậy hơn cả, đồng thời có giá bán nằm trong tầm tiền của bạn. Hãy đi cùng một người thực sự rành về xe cũ.
Sẽ không gì tốt hơn nếu đó là một người thợ sửa xe lâu năm, bởi họ là những người có khả năng đánh giá và định giá xe tốt hơn cả. Nếu như không quen biết với ai như vậy, bạn hoàn toàn có thể thuê một người thợ dày dặn kinh nghiệm để đi chọn xe cùng.
Trường hợp bạn là nữ, tuyệt đối không bao giờ đi mua xe một mình, vì bạn có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, thậm chí bị cướp giật.
Với những ai phải tự mình đi mua xe, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn được trang bị đầy đủ thông tin, tỷ lệ thành công sẽ là rất cao. Có thể kể tên một số vấn đề mà bạn phải lưu tâm như sau:
<>Giấy tờ, nguồn gốc của xe
Trong mọi tình huống, tốt hơn hết là bạn nên mua xe chính chủ.
Hãy yêu cầu chủ xe cho xem giấy đăng ký, hóa đơn mua xe gốc và chứng minh thư. Đối chiếu xem thông tin trên hóa đơn có khớp với giấy đăng ký, giấy đăng ký có khớp với chứng minh thư hay không. Trường hợp không phải xe chính chủ, bạn hãy yêu cầu người bán xe cho xem giấy mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương.
Không chỉ có vậy, hãy xác định thật kỹ xem liệu giấy tờ có phải là giả. Để làm điều này, trước khi đi bạn phải quan sát kỹ một chiếc giấy đăng ký chuẩn và ghi nhớ các đặc điểm nhận dạng. Đừng quên mang theo một mẩu giấy trắng và một chiếc bút chì để cà mã số khung và mã số máy rồi đối chiếu với giấy tờ gốc.
Việc làm trên sẽ đảm bảo nguồn gốc rõ ràng của xe, đồng thời giúp bạn tránh mua phải xe trộm cắp. Ngoài ra, nó giúp bạn xác định được tuổi thọ chính xác của xe, từ đó định ra giá phù hợp.
Hãy cảnh giác với những chiếc xe có biển số đẹp, ví dụ như 8888 hay 6666, vì có không ít trường hợp đối tượng bán xe là kẻ trộm, dùng biển giả số đẹp để câu khách.
Nếu có bất kỳ một nghi ngờ nào, đừng liều lĩnh mua xe. Hãy nhớ rằng nhờ có internet bạn sẽ dễ dàng tìm được vô số những chiếc xe tương tự.
Bạn cũng nên kiểm tra cả sổ bảo hành của xe, vừa để khẳng định thêm tính chính chủ, vừa để biết được trước đây xe có được bảo dưỡng đều đặn hay không. Xe được bảo hành đều đặn và đúng cách đương nhiên là có ít khả năng hỏng hóc hơn, từ đó sẽ có tuổi thọ cao hơn.
<>Đánh giá tổng thể xe
Về vấn đề này, xin được nhắc bạn là không bao giờ được tin vào sự bóng bẩy bề ngoài của xe, vì hiện nay công nghệ “mông má” của giới buôn xe cũ đã đạt đến trình độ rất cao. Họ hoàn toàn có khả năng biến một chiếc xe cũ nát thành một chiếc xe gần như mới.
Điều cốt yếu là nước sơn, thân xe, vỏ xe, khung gầm, động cơ...phải đồng bộ và hợp nhất. Có nghĩa là chi tiết này mới bằng từng này thì các chi tiết khác cũng phải mới gần tương tự, hoặc chi tiết này là của Honda thì các chi tiết khác cũng phải là của Honda...
Không thể có chuyện xe thì rất cũ mà một vài chi tiết quan trọng lại rất mới, chi tiết này của Honda mà chi tiết khác lại của Yamaha...
Đánh giá này giúp bạn khẳng định một cách sơ bộ rằng xe chưa bị “luộc đồ” và chưa “dính” tai nạn.
Những điều cần biết khi mua xe máy cũ (P2)
Nguồn gốc rõ ràng và giấy tờ đầy đủ chưa chắc đã đảm bảo được rằng xe vẫn còn tốt. Việc kiểm tra kỹ thuật luôn đóng vai trò quan trọng quyết định. Công đoạn này là khó khăn hơn cả, đòi hỏi bạn phải rất am tường về máy móc.
Một sai lầm khá phổ biến của những người đi mua xe máy cũ là tin vào số chỉ trên công-tơ-mét. Trên thực tế, việc điều chỉnh công-tơ-mét trên ô tô người ta còn thực hiện được một cách dễ dàng, huống gì trên xe máy.
Dân buôn xe cũ có thể tua lại công-tơ-mét mà không hề để lại bất kỳ dấu vết nào. Chính vì thế, không nên đánh giá xe dựa trên chỉ số kilomet, thay vào đó, hãy dựa vào giấy tờ gốc mà tính tuổi xe, từ đó cũng có thể ước lượng được tổng quãng đường mà xe đã chạy.
Khi đánh giá về mặt kỹ thuật, bạn cũng nên chú ý đến tính đồng bộ của các chi tiết liên quan, chẳng hạn động cơ, khung gầm, chế hòa khí, IC...Việc này cũng giống như khi đánh giá tính đồng bộ của tổng thể xe, tất cả các chi tiết kỹ thuật phải có sự tương đồng về độ mới, màu sắc, chủng loại...Mục đích là để đảm bảo rằng xe chưa bị thay đồ.
Trong quá trình đánh giá kỹ thuật, phần khó nhất luôn là đánh giá động cơ. Một số tiêu chí giúp đánh giá chính xác có thể kể đến là:
<>Thứ nhất, tổng thể bên ngoài của động cơ phải đảm bảo tính nguyên vẹn và đồng nhất. Cụ thể hơn, bề mặt động cơ không bị méo, vỡ. Với những xe được sơn lốc hộp số như Honda Wave Anpha đời cũ, dù sơn đã bị tróc thì nước sơn cũng phải nguyên bản.
Thêm vào đó, mặt ghép giữa hai nửa lốc máy phải nguyên vẹn, các con ốc trên cụm xylanh và lốc hộp số (với xe tay ga là bộ côn) không bị toét đầu hoặc thay mới. Nếu các yếu tố này không được đảm bảo, khả năng lớn là xe đã bị “bổ” máy. Đây là điều chúng ta nên tránh nhất khi đi mua xe cũ.
<>Thứ hai, khả năng vận hành của động cơ vẫn còn tốt. Để kiểm tra tiêu chí này, đương nhiên là bạn phải chạy thử xe. Hãy theo dõi xem xe có đảm bảo được những yêu cầu dưới đây hay không:
+ Động cơ tốt trước hết phải khởi động dễ dàng. Trong quá trình đề không xuất hiện tiếng kêu lớn, xe không bị giật. Tắt động cơ đi, đề lại xe vẫn khởi động dễ dàng. Cần đạp khởi động phải hoạt động bình thường.
+ Khi xe nổ ở chế độ ga-răng-ti (nhả hết ga để máy tự nổ), động cơ không bị chết giữa chừng (tăng ga-răng-ti nếu quá nhỏ), tiếng nổ đều và không bị giật, không có tiếng kêu lạ.
+ Khi vặn tay ga, động cơ đáp ứng nhanh, không có thời gian trễ, ga lên đều, xe không bị ì, động cơ nổ giòn và tăng đều, không có tiếng kêu lạ. Khi nhả ga, xe giảm tốc tức thời.
+ Với xe số, việc sang số phải nhẹ và dễ dàng, hộp số không bị kẹt khi tăng và giảm số.
+ Nhiệt độ động cơ bình thường. Cho xe vận hành mười, mười lăm phút, động cơ không quá nóng. Với xe ga, có thể kiểm tra trên nhiệt kế. Kim chỉ nhiệt độ không vượt quá điểm giữa là tốt. Với xe số, việc kiểm tra độ nóng mang tính cảm tính hơn, tuy nhiên, nếu máy quá nóng, nó sẽ tự ngắt sau một lúc chạy.
+ Xe không ăn xăng. Có thể kiểm nghiệm một phần bằng cách ngửi khói xả xem có nặng mùi xăng hay không. Khói xả nồng nặc mùi xăng là dấu hiệu máy đã bị rã, cho hiệu suất đốt xăng thấp.
+ Xe không ăn dầu. Dựng chân chống giữa, vặn ga hết cỡ rồi kiểm tra độ khói. Nếu lượng khói xám nhiều và dày đặc, động cơ đã bị rã và ăn dầu. Nếu lượng khói xám ít thì động cơ vẫn còn hoạt động tốt.
Nếu như động cơ và hộp số/côn vượt qua được tất cả các bài kiểm tra nói trên thì lúc này bạn đã có thể xem xét quyết định mua vì chúng được coi là trọng tâm của chiếc xe. Các chi tiết kỹ thuật khác nếu hỏng hóc thì có thể sửa chữa sau, và chi phí để khắc phục chúng cũng không quá lớn.
Mặc dầu vậy, bạn vẫn phải kiểm tra để tìm lỗi. Với mỗi lỗi, hãy ước chừng chi phí khắc phục để trừ vào giá xe lúc mặc cả. Các chi tiết này bao gồm khung gầm, giảm xóc, hệ thống điện, IC, đèn, nhông xích (xe số)...
Khâu cuối cùng sẽ là mặc cả giá. Điều quan trọng là bạn phải tham khảo trước khi đi mua xe. Hãy hỏi những người có kinh nghiệm về xe cũ, tốt nhất là thợ sửa xe lâu năm để đưa ra một ba-rem giá làm chuẩn. Một chiếc xe có giá bán quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thực của nó đều không chấp nhận được.
Với trường hợp giá quá cao, đương nhiên là bạn kiên quyết mặc cả. Trường hợp giá quá thấp, không loại trừ khả năng xe có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc bị hỏng hóc một bộ phận tối quan trọng nào đó trong động cơ mà mắt thường không thể thấy được qua một hai lần thử.