Cũ Giá Rẻ

Mách bạn một số kinh nghiệm khi mua máy ảnh DSLR cũ

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hãng sản xuất máy ảnh cũng không ngừng phát triển và cho ra đời những mẫu máy cao cấp nhiều ưu điểm vượt trội, khiến cho vòng đời của những chiếc máy ảnh trở nên ngắn ngủi hơn.

Đây cũng là một yếu tố góp phần làm cho thị trường máy ảnh cũ trở nên sôi động. Việc kiếm được một chiếc máy DSLR cũ nhưng chất lượng vẫn còn tốt không phải là điều quá khó khăn. Dưới đây là một số kinh nghiệm khi chọn mua máy ảnh cũ.

Tuổi thọ của màn trập máy ảnh DSLR thường được xác định dựa trên số lần sử dụng mà được các hãng sản xuất công bố, thường dao động từ 100 000 đến 150 000 lần. Vì thế trước khi mua máy, bạn cần lưu ý trước tiên đến thông số này.

Nếu có thể, bạn nên kiểm tra bằng cách chụp thử để xem số thứ tự trên File ảnh. Tuy nhiên cách này cũng chỉ tương đối vì việc đánh lại số cho file ảnh hoàn toàn có thể thực hiện được. Một cách khác là bạn có thể dùng phần mềm như EOSInfo đối với các dòng máy của Canon. Các phần mềm đọc ảnh EXIF cũng có thể biết được số lần cửa trập đã sử dụng thông qua các thông số dữ liệu.

Bạn cũng cần chú ý đến những yếu tố cảm quan khi chụp thử với các tốc độ cửa trập khác nhau, để thấy tiếng trập có đanh gọn hay có những âm thanh bất thường nào hay không?

Để kiểm tra cảm biến có bị bám bụi bẩn hay không bạn có thể thực hiện bằng hai cách: Hãy thử chụp một hình chỉ toàn màu trắng, ví dụ chụp bức tường hay tờ giấy... với độ mở hẹp (chẳng hạn như f/22) sau đó phóng to hình ảnh trên máy tính xem có vết đen, bẩn nào không?

Cách thứ hai là kiểm tra bằng mắt thường, bạn khóa gương lật rồi xem bề mặt cảm biến lộ ra có bụi hay vết xước không.

Khi bán máy ảnh DSLR cũ, nhiều người bán kèm luôn lens Kit theo thân máy hoặc ống kính nào đó. Nếu bạn muốn mua, bằng mắt thường hãy kiểm tra thật kỹ xem có vết xước hay bám bụi hay không. Nếu ống kính có các vòng điều chỉnh độ mở, thử kiểm tra độ mượt mà khi di chuyển của các lá thép.

Điều tối kỵ đối với ống kính là nấm mốc, bên cạnh việc xem xét cẩn thận trực tiếp, bạn có thể hỏi thử người bán về cách bảo quản ống kính để xem họ có cất trong tủ chống ẩm hay lại chỉ đặt trong túi máy trong thời gian dài.

Bên cạnh việc kiểm tra bề ngoài, tốt hơn cả bạn nên lắp thử vào thân máy để chụp với những khoảng lấy nét khác nhau để đánh giá tốc độ cùng sự chính xác của mô tơ lấy nét.

Cũng giống như những bộ phận khác, bạn cũng cần kiểm tra xem xét màn hình LCD của máy ảnh có dấu hiệu xây xước hay hỏng hóc gì. Bạn có thể thử chụp với một màu duy nhất để xem liệu có xuất hiện điểm chết nào hay không?

Nếu trên màn hình LCD hiển thị màu sắc nhạt nhòa, kém tươi tắn hoặc hình ảnh chập chờn, điều đó cho thấy máy dùng đã lâu hoặc sử dụng quá nhiều trước đây. Bạn hãy xem xét để xác định đúng giá trị của máy ảnh trước khi chọn mua máy.

Để xem máy đã dùng lâu và thường xuyên hay không bạn có thể xem bề mặt của nút chụp ảnh xem có bong tróc hay “sáng” bóng. Ngoài ra cũng nên chú ý đến nắp ống kính và dây đeo xem đã sờn hay chưa. Những chi tiết này thường được dùng cùng lúc với máy nên có thể “tiết lộ” nhiều điều cho bạn đấy.

Ngoài máy ra bạn cũng phải xem xét đến các phụ kiện khác như pin, sạc xem còn hoạt động tốt không. Nếu may mắn bạn có thể kiếm được một bộ phụ kiện đầy đủ như mới.

Nếu bạn mua máy cũ ở cửa hàng, nhiều nơi sẽ có chế độ bảo hành cho bạn. Trong trường hợp mua trực tiếp từ cá nhân, hầu như sẽ không có bảo hành, tuy nhiên cũng có thể vẫn còn bảo hành từ hãng nếu chiếc máy đó chưa cũ. Vì vậy đừng quên hỏi về chế độ bảo hành cho máy ảnh cũ, nếu cần thiết có thể yêu cầu cả hóa đơn mua hàng nếu cần đối chiếu.

Điều quan trọng nhất khi đi mua máy là sự cẩn thận, hy vọng những kinh nghiệm trên đây có thể giúp ích cho bạn để tìm được một chiếc máy ảnh ưng ý mà giá không đắt đỏ.

Xem thêm: Kiến thức nên biết

Xem thêm: https://quasinhnhat.com.vn/nghe-thuat-mua-sam.html